VC FUTURES
  • 1 Ng. 18 P. Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN NGÀY 19/05/2025

TỔNG HỢP TIN TỨC ĐÁNG CHÚ Ý
Chủ tịch Fed: Lãi suất dài hạn sẽ cao hơn vì các cú sốc nguồn cung. Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cảnh báo lãi suất dài hạn có khả năng sẽ cao hơn khi nền kinh tế đang trải qua biến động lớn và chính sách tiền tệ đứng trước nhiều thách thức mới.

Bloomberg: Đồng USD yếu không được đề cập trong các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ. Căng thẳng bao trùm thị trường ngoại hối toàn cầu khi nhà đầu tư lo ngại chính quyền Trump đang âm thầm tìm cách làm yếu đồng USD. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận với vấn đề này, các quan chức Mỹ đang đàm phán thương mại khắp thế giới không hề đưa vấn đề tiền tệ vào các thỏa thuận.

Đàm phán thuế với Mỹ chưa ngã ngũ, Vinatex lo dệt may hụt đơn hàng cuối năm. Trong bối cảnh Mỹ – Trung đạt thỏa thuận tạm hoãn thuế quan, còn Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán, Vinatex dự báo quý 3 vẫn giữ được đơn hàng tốt nhờ tồn kho thấp tại Mỹ, nhưng quý 4 có thể giảm 10% do sức mua chững lại. Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh ngành cần tận dụng “khoảng lặng” đàm phán để chủ động thích ứng.

Ngành gạo rơi vào “vùng trũng” lợi nhuận ngay quý đầu năm. Sản lượng gạo xuất khẩu tăng không đủ bù đắp cú lao dốc của giá bán, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lỗ hoặc chỉ còn biên lãi mỏng. Ngành lúa gạo Việt bước qua quý 1/2025 với kết quả kinh doanh ảm đạm và nhiều nỗi lo cho phần còn lại của năm
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 19/5 trong sắc đỏ nhẹ khi áp lực chốt lời hiện hữu sau chuỗi tăng điểm kéo dài, khiến VN-Index điều chỉnh 5,10 điểm, tương ứng 0,39%, lùi về mốc 1.296,29 điểm. Thanh khoản toàn thị trường vẫn được duy trì ở mức cao với hơn 890 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch đạt 21.398 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền vẫn vận động tích cực nhưng bắt đầu có dấu hiệu chọn lọc rõ ràng hơn.

Rổ VN30 cũng ghi nhận mức giảm tương đồng khi chỉ số mất 4,69 điểm, tương ứng 0,34%, còn 1.379,75 điểm. Với hơn 377 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị khớp lệnh tại nhóm này đạt hơn 11.370 tỷ đồng.

Tác động tích cực nhất đến VN-Index trong phiên hôm nay là cổ phiếu VIC khi tăng trần 7%, đóng cửa tại 85.600 đồng/cổ phiếu và đóng góp tới 5,41 điểm vào chỉ số chung. VHM cũng hỗ trợ nhẹ với mức tăng 1,38%, đóng góp 0,78 điểm, trong khi GEE bứt phá 6,97%, góp thêm 0,49 điểm. VPB và KBC tăng nhẹ lần lượt 0,83% và 3,48%, mang lại ảnh hưởng tích cực nhưng không đủ sức giúp chỉ số giữ được sắc xanh khi áp lực giảm đến từ các trụ lớn khác.

Ở chiều ngược lại, VPL giảm 2,77% khiến VN-Index mất 1,14 điểm, là mã có tác động tiêu cực nhất trong phiên. VCB giảm 0,87%, lấy đi 0,96 điểm, tiếp theo là FPT giảm 2,31%, BID giảm 1,09% và LPB mất tới 3,82%, lần lượt khiến chỉ số VN-Index giảm thêm từ 0,64 đến 0,93 điểm. Sự suy yếu tại các trụ cột ngành tài chính – ngân hàng và công nghệ đã trở thành lực cản lớn khiến thị trường không thể giữ được đà tăng như những phiên trước.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 1,45 điểm, tương ứng 0,66%, về mức 217,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 62 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 944 tỷ đồng. Sự điều chỉnh diễn ra tại nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa trên sàn này khi nhà đầu tư tranh thủ cơ hội để hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn. Trái ngược với xu hướng chung, chỉ số UPCoM-Index tăng nhẹ 0,21 điểm, tương ứng 0,22%, lên 95,71 điểm nhờ sự tích cực của một số mã vốn hóa nhỏ có câu chuyện riêng và thanh khoản cải thiện.

Bức tranh toàn thị trường cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành, trong đó nổi bật là sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm bất động sản với mức tăng 2,33%, trở thành điểm sáng duy nhất trên bảng điện tử, trong khi các nhóm ngành trụ như công nghệ thông tin, ngân hàng, dịch vụ tài chính và dầu khí đều đồng loạt điều chỉnh, tạo áp lực lên chỉ số chung.
KHUYẾN NGHỊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Thị trường đã vượt 1.300 điểm nhưng lại gặp phải áp lực chốt lời, dẫn tới đà suy giảm mạnh. Hiện tại xu hướng giảm điểm sẽ còn tiếp diễn. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời để bảo vệ thành quả của mình. Với xu hướng hiện tại, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản đang là ưu tiên hàng đầu.
CẬP NHẬT THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA
Thị trường ngô: Giá ngô phân hóa, phụ thuộc vào thời tiết và dự báo sản lượng Brazil

Thị trường ngô Mỹ ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên. Hợp đồng ngô tháng 7 (CN25) tăng 3 cent lên 4,4805 USD/giạ, trong khi hợp đồng tháng 12 (CZ25) – đại diện cho vụ thu hoạch chính giảm 1,75 cent, chốt tại 4,3875 USD/giạ. Sản lượng ngô toàn cầu được kỳ vọng tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Cơ quan Conab của Brazil dự báo sản lượng ngô vụ hai năm nay sẽ tăng 11%, đạt 99,8 triệu tấn, với lý do thời tiết tốt tại các vùng trồng trọng điểm.

Chủ tịch Hiệp hội ngô Abramilho – ông Paulo Bertolini nhận định tổng sản lượng ngô Brazil niên vụ 2024/25 có thể đạt 125 triệu tấn. Ngoài ra, ông cũng lưu ý lượng tiêu thụ ngô để sản xuất ethanol có thể sớm tăng gấp đôi trong thời gian tới. Ở chiều xuất khẩu, USDA báo cáo khối lượng xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/5 đạt hơn 2,18 triệu tấn – cao hơn nhiều so với dự đoán.

Thị trường đậu tương: Đậu tương quay đầu giảm mạnh do áp lực từ dầu đậu và chính sách nhiên liệu sinh học

Sau khi chạm đỉnh 10 tháng trong phiên trước, giá đậu tương kỳ hạn đã giảm sâu trong phiên thứ Năm, chịu tác động tiêu cực từ đà lao dốc của giá dầu đậu nành. Hợp đồng đậu tương tháng 7 (SN25) giảm 26,05 cent, chốt tại 10,5125 USD/giạ. Áp lực chủ yếu đến từ hợp đồng dầu đậu nành hoạt động mạnh nhất (ZL1!), khi giá giảm kịch sàn về mức 49,32 cent/pound – mức giới hạn hàng ngày. Hợp đồng dầu đậu tháng 7 (BON25) cũng hạ 3 cent, đóng cửa tại cùng mức 49,32 cent/pound.

Đà giảm của dầu đậu bắt nguồn từ những lo ngại mới liên quan đến chính sách nhiên liệu sinh học tại Mỹ. Có tin đồn rằng mục tiêu sản lượng diesel tái tạo cho năm tới đang được điều chỉnh giảm mạnh, thấp hơn mức 5,25 tỷ gallon do các hiệp hội năng lượng đề xuất.

Sự lạc quan gần đây về khả năng nối lại tín dụng thuế nhiên liệu sinh học và tạm ngừng xung đột thương mại Mỹ – Trung cũng đã dịu bớt khi chưa có thêm thông tin rõ ràng về kết quả đàm phán. Công ty AgResource cảnh báo nếu xung đột thương mại không được giải quyết, xuất khẩu đậu tương Mỹ có thể giảm tới 20%, kéo giá xuống sâu hơn. Ở chiều ngược lại, hợp đồng bột đậu tương tháng 7 (SMN25) tăng 4,5 USD, lên mức 296,40 USD/tấn ngắn, phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa ổn định hơn so với dầu đậu nành.
GÓC NHÌN KỸ THUẬT
Hợp đồng tương lai đậu tương đang trong xu hướng tăng mạnh mẽ. Hiện tại, giá đã về vùng hỗ trợ và đang có sự tái tích lũy. Dự báo giá sẽ sớm đảo chiều tăng giá trong thời gian tới. Trong trường hợp giá mất vùng 1040, xu hướng tăng sẽ kết thúc.

Hợp đồng tương lai ngô đang trong xu hướng giảm giá. Hiện tại, giá đang có tín hiệu tạo đáy 2. Nếu như giá giữ được vùng hỗ trợ 438, xu hướng giảm sẽ kết thúc và có thể đảo chiều trong thời gian sắp tới.

TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM
Báo cáo này được viết và phát hành bởi Phòng phân tích – Công ty cổ phần VC Futures. Báo cáo này và/hoặc bất kỳ nhận định, thông tin nào trong báo cáo này không phải là các lời chào mua hay bán bất kỳ một sản phẩm tài chính, chứng khoán nào được phân tích trong báo cáo và cũng không là sản phẩm tư vấn đầu tư hay ý kiến tư vấn đầu tư nào của VC Futures.

Do đó, nhà đầu tư chỉ nên coi báo cáo này là một nguồn tham khảo. VC Futures không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước những kết quả ngoài ý muốn khi quý khách sử dụng các thông tin trên để kinh doanh chứng khoán. Thông tin trình bày trong báo cáo dựa trên các nguồn được cho là đáng tin cậy vào thời điểm công bố song VC Futures không chịu trách nhiệm hay bảo đảm nào về tính chính xác, tính đầy đủ, tính kịp thời của những thông tin này cho bất kỳ mục đích cụ thể nào.

Leave A Comment

Bài viết khác

Xem thêm các bài viết khác

Contact Me on Zalo